Chuyển đổi nơi ở từ địa điểm cũ sang địa điểm mới là điều không quá xa lạ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển nơi ở của các gia đình. Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì khi chuyển sang nhà mới, ngoài việc xem ngày tốt chuyển nhà – chọn giờ đẹp phát tài lộc cho gia chủ, các gia chủ còn cần chú ý đến việc sắm lễ nhập trạch về nhà mới.
Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, lễ nhập trạch về nhà mới là một trong những lễ vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Theo đó, khi bắt đầu dọn về nhà mới, gia chủ cần làm lễ ra mắt Thổ Công, Chúa Đất, các Quan ngự tại khu nhà mới. Chính vì vậy, việc sắm sửa, làm lễ nhập trạch rất quan trọng và cần đặc biệt chú ý.
Vậy khi sắm lễ nhập trạch cầ chuẩn bị những lễ vật gì? Theo lời khuyên của những bậc tiền bối, mâm lễ vật trong lễ nhập trạch cần có hương, trầu cau, vàng mã, hoa tươi, rượu, thịt, gà, xôi, hoa quả và bánh kẹo… Các lễ vật này nên sắm vừa đủ không quá ít mà cũng không quá nhiều để tránh hoang phí.
Sau khi sửa soạn xong các lễ vật cần có cho mâm cúng nhập trạch, các gia chủ cần tiến hành nghi lễ nhập trạch vào nhà mới. Nếu bạn có ý định chuyển nhà mới trong tháng 7 này thì bạn cần xem ngày tốt chuyển nhà tháng 7 năm 2016 trước để chọn ra ngày đẹp, hợp với tuổi rồi mới tiến hành chuyển nhà và làm lễ nhập trạch.
Trước hết, gia chủ hoặc người đại diện gia đình cần mang theo một số đồ vật để vào nhà mới như nệm/chiếu đang sử dụng, bếp lửa (lưu ý không sử dụng bếp điện hoặc bếp từ vì các loại bếp này không có lửa – không mang ý nghĩa tâm linh), chổi quét nhà mới…
Các thành viên còn lại trong gia đình thì nên mang theo một số đồ vật tượng trưng cho sự sung túc, an vui khi vào nhà mới như phong bì đỏ, tiền, một số loại hoa quả như nho, cam, táo (đây là những loại quả tượng trưng cho sự thịnh vượng, tài lộc)… Không nên chỉ đi người không.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cần thiết, gia chủ cần sắp mâm lễ vật và để lên ban thờ theo hướng hợp với bản mệnh mình. Gia chủ cần đích thân thắp hương, cắm vào lư hương để xin nhập trạch, trình với Thổ Công và các Quan, Thần linh cai quản khu nhà mới xin phép được rước vong linh Gia tiên về nơi ở mới để thờ phụng.
Tiếp đó, gia chủ sẽ đun nước trên bếp lửa đã chuẩn bị để khai bếp và pha nước trà dâng lên Thần linh, gia tiên. Sau khi khấn Thần linh, cáo yết với gia tiên xong thì gia chủ mới tiến hành sắp xếp đồ đạc trong nhà. Khi đã dọn dẹp, sắp xếp xong các đồ đạc, cả gia đình sẽ tổ chức lễ bái tạ thần Phật, các vị thánh thần và tổ tiên… để mong đại gia đình được bình an, trên thuận dưới hòa, cha mẹ êm ấm, con cái lộc tài…