Cái chết của Nokia trở thành động lực cho khá nhiều nghiên cứu khoa học (NCKH) tìm hiểu các nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ ngoạn mục này để làm bài học cho các doanh nghiệp sau.
Câu kết thúc bài phát biểu của CEO Elop ‘Chúng tôi đã không làm gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã bại’ đánh dấu cái chết tức tưởi của đế chế Nokia chỉ năm năm sau khi thống lĩnh thị trường điện thoại di động vào năm 2008 với gần 40% thị phần.
Cái chết của Nokia trở thành động lực cho khá nhiều nghiên cứu khoa học (NCKH) tìm hiểu các nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ ngoạn mục này để làm bài học cho các doanh nghiệp sau.
Trong số các NCKH này thì NC gần đây Lambert et al. (2019) được cấp kinh phí bởi Phần Lan (Nokia của Phần Lan) tôi cho là khách quan nhất và khá đầy đủ với phần lịch sử phát triển của Nokia.
Phần lớn các NCKH tập trung vào khía cạnh quản trị và lãnh đạo và đã nêu lên nhiều bài học quý giá. Tôi chỉ tóm tắt vài ý chính thôi sau khi nêu vài điểm mốc thời gian và phát triển để các bạn có thể thấy được những vấn đề mà tôi sẽ phân tích ở dưới.
Thập niên 1980’s, đối diện với khủng hoảng trong phát triển kinh doanh, Nokia bắt buộc phải áp dụng chiến lược tinh gọn và thay đổi cơ cấu mau lẹ (Strategic Agility) đồng thời tập trung vào hai thị trường chính mobile phone và mạng lưới truyền thông với hệ thống quản trị chéo ma trận (hàng dọc và hàng ngang) giúp công ty thay đổi cơ cấu tổ chức nhanh chóng mà vẫn duy trì được hoạt động.
Năm 1999, Nokia lãi 4 tỷ euro và thị trường ĐTDĐ tăng trưởng chóng mặt.
Cuối 2002, truyền thông cũng như những động thái từ Steve Jobs cho biết Apple đang phát triển sản phẩm mới ở thị trường smartphone (từ smartphone đã xuất hiện trước đó khá lâu) có tên iphone.
Cuối 2003, start-up Android, Inc. hình thành với mục tiêu xây dựng hệ điều hành cho smartphone dựa trên nền Linux. Google mua Android vào năm 2005 và tiếp tục phát triển bởi đội ngũ lãnh đạo ban đầu.
Năm 2007, Apple công bố iphone. Cuối năm 2007, Nokia thống lĩnh thị trường mobile phone với gần 40% thị phần.
Năm 2008 Android phone đầu tiên với tên HTC ra đời.
Năm 2013, thị phần của Nokia rớt xuống còn 5%. Để tránh phải phá sản, Nokia bán rẻ cho Microsoft
1. Tóm tắt vài điểm chính từ các NCKH về lý do cho sự sụp đổ của Nokia
Để đạt thành công ở thập niên 1990’s và đầu 2000’s, Nokia áp dụng phong cách quản trị và lãnh đạo bằng nỗi sợ với KPI đầy áp lực, cạnh tranh nội bộ và thay đổi cơ cấu liên tục qua quản trị ma trận. Nó hình thành văn hóa của công ty và tự làm mất khả năng đối phó với đối thủ cạnh tranh từ Apple và Android. Điều giúp Nokia thống trị thị trường mobile phone cũng là thứ giết chết Nokia!
Quá tự tin vào năng lực của mình và đánh giá đối thủ quá thấp.
Một công ty công nghệ mà không có tầm nhìn và chiến lược công nghệ dài hạn.
Lãnh đạo cấp cao kể cả CEO không có kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ.
2. Vài điều mà bài báo Lambert et al nêu là vẫn chưa rõ
Vai trò của những cố vấn trong những quyết định của Nokia. Công ty lớn như Nokia thường có khá nhiều cố vấn chuyên môn là những GS nổi tiếng trên thế giới cũng như những nhà chuyên môn đầy kinh nghiệm. Thế tại sao họ để Nokia đưa ra nhiều quyết định sai lầm?
Không phải Nokia không biết yếu kém của hệ điều hành Symbian của mình, nhưng tại sao họ duy trì đầu tư phát triển nó đến lâu vậy?
Năm 2005, Nokia bắt đầu phát triển hệ điều hành mới dựa trên Linux với tên Maemo lúc đó Google đã mua Android. Nhưng đến 2010 thì nó bị dừng và mở ra hai phát triển mới tên MeeGo và Meltemi cũng dựa trên Linux. Nhưng lại quyết định dừng MeeGo vào 2011, và rồi dừng luôn Meltemi vào 2012. Tại sao vậy?
Các phân tích khoa học này chỉ tập trung vào khía cạnh quản trị và lãnh đạo không nói gì về tâm lý của con người trong hệ thống. Bài chia sẻ này tôi nêu vài điểm về tâm lý đặc biệt về tư duy và từ đó giúp thấy được thất bại của Nokia cũng không mấy khó hiểu.
Phong cách lãnh đạo hình thành văn hóa của của công ty. Điểm mù tư duy của lãnh đạo cũng đưa đến những điểm mù tư duy của tổ chức. Từ những điểm mù này cộng với những tâm lý thiên vị như confirmation bias (thiên vị xác định), self-serving bias (thiên vị tự phụ), và ảnh hưởng của sunk-cost dễ dàng thấy lý do Nokia đưa ra những quyết định như vậy.
1. Phong cách quản trị bằng nỗi sợ thì cấp trên thị oai dọa nạt cấp dưới đưa đến vấn đề cấp dưới không dám nêu tin xấu của hoạt động bên dưới và cấp trên cũng không chia sẻ thông tin về nguy cơ đưa hệ thống hoạt động và quy trình quyết định dựa trên những thông tin sai lệch. Chẳng những thế với hệ thống quản trị ma trận khi ở trong trạng thái nguy cơ thì bị chết cứng vì không có ai dám đưa ra quyết định.
2. Văn hóa cạnh tranh nội bộ với nhiều dự án cùng mục tiêu có thể giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển cho những bộ phận riêng lẻ của phần cứng của điện thoại nhưng không thể ứng dụng với hệ điều hành (phần mềm) vì nó cần phải có triết lý thiết kế và chiến lược dài hạn. Apple mất hơn 5 năm từ khi báo chí biết phát triển iphone đến khi công bố sản phẩm. Android cũng mất hơn 5 năm.
Nokia từ một công ty công nghệ truyền thông do đó Symbian được coi là phần mềm nhúng giúp chạy phần cứng và tích hợp chặt chẽ với phần cứng. Tư duy kỹ thuật này khóa Nokia trong việc nhìn nhận hệ điều hành là một bộ phận riêng biệt với phần cứng. Tuy nhiên Nokia thấy điểm yếu này của Symbian và nguy cơ từ Apple và Android nên đã có dự án Maemo, rồi MeeGo và Meltemi cả ba dựa trên Linux.
Khi một ông vua già sắp chết thì các hoàng tử tranh giành ngôi vị nên mấy đứa yếu sẽ bắt tay nhau giết thằng hoàng tử mạnh chết trước, rồi chúng chém lẫn nhau! Lịch sử của nhiều triều đại vua chúa cho chúng ta bài học này. Và khi các hoàng tử chém với nhau trong khi chưa đủ mạnh để thay thế thì cha già phải ráng mà sống để trị vì chứ làm sao giờ!
Thuyết trò chơi và hành vi con người có thể giải thích tại sao các dự án phát triển hệ điều hành mới đều thất bại và Nokia phải tiếp tục đầu tư cho Symbian cũ kỹ (sunk-cost effect). Khi đứng trước nguy cơ của giặc ngoại bang mà triều đình có tranh giành quyền lực nội bộ thì triều đại đó hết thời rồi. Đây là chuyện muôn thuở!
3.‘Nokia là công ty làm sản phẩm truyền thông chứ không phải là tiệm bán phần mềm app’ là thái độ của Nokia từ cấp lãnh đạo cho đến cấp trung thuở ban đầu (chế nhạo mô hình kinh doanh của Apple). Thái độ này khóa tư duy của lãnh đạo có cái nhìn thực tế và đúng đắn về hệ điều hành. Apple đã đẩy ra thị trường itunes từ 2001 và đã phá vỡ mô hình kinh doanh nhạc.
Điều mà người làm công nghệ có thể đoán chính xác hơn 90% đó là Steve Jobs sẽ lấy MacOS làm tinh gọn lại cho iphone và mở ra thị trường phần mềm như itunes (sau này gọi là Apple App store) từ năm 2002. Khi Google mua Android năm 2005 thì ai cũng có thể đoán ra là nó sẽ đưa các app của nó như Google maps, Internet Search engine, v.v. vào smartphone.
Lúc bấy giờ thì smartphone không còn chỉ là một công cụ để gọi điện thoại hay nhắn tin. Nokia gạt bỏ tất cả những nguy cơ này vì hiện tại ta đang là vua của thị trường điện thoại di động (tâm lý thiên vị tự phụ). Chỉ có điều Nokia không nhận ra người dùng không còn mua smartphone vì chức năng truyền thông vì chức năng ấy khách hàng coi như là điều mặc định tất nhiên.
4. Có thảo luận tại sao Nokia không sử dụng hệ điều hành mở Android. Nếu làm như thế với hệ thống sản xuất cũng như phân phối và kỹ thuật phần cứng sẵn có của Nokia thì Samsung sẽ không có cửa để chen chân. Tuy nhiên Nokia với tâm thế là một công ty CN làm sản phẩm truyền thông thì không thể không làm chủ CN phần mềm điều hành nó.
Chính vì tâm thế ‘sỹ diện’ này mà Nokia không chấp nhận thảo luận về việc sử dụng Android trong các buổi họp cấp cao. Ta đang là vua thì khó chấp nhận thua kém mấy thằng startup miệng còn hôi sữa tuy sâu trong tiềm thức họ biết nguy cơ cả từ cấp lãnh đạo đến cấp quản lý cấp trung!
5. Một thời gian dài bắt đầu từ CEO Ollila (1992-2006) và các CEO sau đều không có kiến thức, kinh nghiệm và không mấy quan tâm đến công nghệ. Có một thời gian Nokia, một công ty công nghệ mà không có Chief Scientific Officer luôn.
Nếu bạn nhìn các công ty công nghệ thành công hiện nay như Apple, Microsoft, Oracle, Google, Facebook, Tesla, v.v. đứng đầu là người làm công nghệ! Chính vì thế mà Nokia không có một chiến lược dài hạn về công nghệ và đã dùng 19 tỷ euro cash để mua lại stocks.
Khi trong tay đang cầm cái búa thì mọi vấn đề là cây đinh. Họ dùng tiền surplus thay vì đầu tư phát triển công nghệ ở thời điểm tất yếu sống còn thì quyết định mua lại stocks để làm nhà đầu tư vui! Khi con người có nhiều sự lựa chọn trong quyết định thì họ sẽ chọn quyết định mà họ có khả năng bảo vệ. Khi lãnh đạo là những nhà kinh doanh thì quyết định đầu tư sẽ là nghiêng về kinh tế thôi!
Vài điều phân tích về điểm mù tư duy lãnh đạo và tổ chức cho thấy Nokia chết là chuyện tất yếu và thật sự không có lựa chọn nào khác! Điểm mù tư duy là những vấn đề bạn hay tổ chức không có khả năng thấy, tin, thừa nhận, hay nghe được trong khi đó ai khác ở ngoài đều nhận biết. Nên cho dù Nokia có thêm hàng tá những nhà cố vấn cấp cao cũng không thay đổi số phận của mình.
Khi môi trường kinh doanh thay đổi bạn không thể dùng tư duy đã giúp bạn thành công trước đó và hy vọng là nó sẽ lặp lại! Tuy nhiên đây lại chính là một điểm mù tư duy mà nhiều người mắc phải.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết chia sẻ của Kiến Vàng. Mời bạn xem thêm các thông tin hữu ích khác.